icon Zalo icon Trang chủ

Xuất nhập khẩu máy móc và thiết bị của Việt Nam tăng cao, triển vọng cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngô Minh Ngọc   |   Ngày đăng: 04/05/2022

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu máy móc và thiết bị của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng cao, trong khi nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.  

Ảnh minh họa - Internet

Xuất khẩu

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 01/2022, kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của Việt Nam đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD, giảm 18,58% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 7,51% so với với tháng 01/2021; chiếm tỷ trọng 11,35% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trước đó, trong tháng 12/2021, kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của Việt Nam đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng 11/2021 và tăng 36,56% so với tháng 12/2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước năm 2021 đạt hơn 38,34 tỷ USD, tăng 41,01% so với năm 2020; chiếm tỷ trọng 11,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Việt Nam trong năm 2021 với kim ngạch đạt 17,82 tỷ USD, tăng 45,93% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng tới 46,48% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc của cả nước. Riêng trong tháng 12/2021, xuất khẩu máy móc thiết bị sang thị trường này đạt gần 2,26 tỷ USD, tăng 2,08% so với tháng 11/2021 và tăng 37,41% so với tháng 12/2020, chiếm tỷ trọng 52,47% tổng xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước.

Xuất khẩu sang khối thị trường EU-27 đạt kim ngạch cao thứ hai với hơn 4,05 tỷ USD, tăng 46,83% so với cùng kỳ năm trước; chiếm tỷ trọng 10,57%. Riêng trong tháng 12/2021, xuất khẩu máy móc thiết bị sang khối thị trường này đạt gần 400,12 triệu USD, tăng 13,56% so với tháng trước và tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước; chiếm tỷ trọng 9,31%.

Tiếp đến là các thị trường: Trung Quốc chiếm tỷ trọng 7,5%; Nhật Bản chiếm 6,69%; Hàn Quốc chiếm 6,64%; ASEAN chiếm 6,05%; Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 2,1%... Đáng chú ý, xuất khẩu máy móc thiết bị sang một số thị trường trong năm 2021 tăng mạnh so với năm 2020 như: Chile tăng 285,94%; Phần Lan tăng 201,15%; Na Uy tăng 184,47%; Pakistan tăng 141,74%; Bangladesh tăng 118,49%; Đức tăng 90,2%; Nga tăng 74,32%…

Trong năm 2021, chủng loại thiết bị điện dùng cho điện thoại hữu tuyến đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất với gần 14,89 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38,83%. Tiếp đến là: Biến thế điện, máy biến đổi điện tĩnh đạt 4,07 tỷ USD, chiếm 10,62%; ắc quy điện đạt gần 1,62 tỷ USD, chiếm 4,22%; động cơ điện và máy phát điện đạt 1,61 tỷ USD, chiếm 4,2%... Xuất khẩu một số chủng loại trong năm 2021 tăng cao so cùng kỳ năm trước là: Máy ép đùn tăng cao 312,4%; tổ máy phát điện và máy biến đổi điện quay tăng 179,8%; máy chuẩn bị xơ sợi dệt; máy kéo sợi, máy đậu sợi hoặc máy xe sợi tăng 124,87%.

Riêng trong tháng 12/2021, nhiều chủng loại tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Rađa, các thiết bị dẫn đường bằng sóng vô tuyến tăng 2.187,12%; động cơ đốt trong tăng 1.194,9%; máy sản xuất chất khí hoặc khí dạng lỏng tăng 681,82%; máy tiện kim loại tăng 410,73%; rơ-moóc và bán rơ-moóc tăng 357,75%; kính hiển vi quang học phức hợp tăng 294,32%; lò nung và lò dùng trong công nghiệp tăng 288,56%; máy đúc, thổi và LK tăng 211,32%…

Nhập khẩu

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2022, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của cả nước đạt gần 3,93 tỷ USD, giảm 1,64% so với tháng 12/2021 nhưng tăng nhẹ (0,38%) so với tháng 01/2021; chiếm tỷ trọng 13,34% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Trị giá nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của cả nước trong tháng 12/2021 đạt hơn 3,99 tỷ USD, tăng 0,29% so với tháng 11/2021 nhưng giảm 3,14% so với tháng 12/2020; chiếm tỷ trọng 12,63% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng. Tính chung cả năm 2021, tổng nhập khẩu máy móc thiết bị của cả nước đạt gần 46,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,93%, tăng 24,28% so với năm 2020.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu máy móc thiết bị lớn nhất với kim ngạch năm 2021 đạt 24,92 tỷ USD, tăng mạnh (46,37%) so với cùng kỳ năm 2020; chiếm tỷ trọng 53,83% tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của cả nước. Riêng tháng 12/2021, nhập khẩu máy móc thiết bị từ thị trường này đạt gần 2,13 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 53,41%, giảm 2,8% so với tháng 11/2021, nhưng tăng 0,5% so với tháng 12/2020.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai với kim ngạch năm 2021 đạt hơn 6,11 tỷ USD, tăng 1,82% so với năm 2020 và chiếm 13,2% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản đạt gần 4,45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 9,61%, tăng 0,61% so với năm 2020. Tiếp đến là các thị trường: EU-27 chiếm tỷ trọng 7,31%; ASEAN chiếm 6,11%; Đài Loan chiếm 2,75%; Hoa Kỳ chiếm 2,14%... Đáng chú ý, nhập khẩu máy móc thiết bị từ một số thị trường tăng cao so với năm 2020 như: New Zealand tăng 187,15%; Canada tăng 170,98%; Ba Lan tăng 161,85%; Belarus tăng 156,84%; Ukraine tăng 134,8%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 72,09%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 54,5%...

Thiết bị và dụng cụ dùng cho ngành y là chủng loại máy móc thiết bị được nhập khẩu nhiều nhất về nước ta trong năm 2021 với kim ngạch đạt 4,47 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 9,66% tổng nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Tiếp đến là: Ắc quy điện đạt 3,77 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 8,14%; thiết bị điện để đóng ngắt mạch đạt 3,74 tỷ USD, tăng 16,59% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 8,08%; thiết bị điện dùng cho điện thoại hữu tuyến đạt 3,46 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 7,48%; tổ máy phát điện và máy biến đổi điện quay đạt 3,06 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 6,61%, tăng mạnh 240,32%…

Nhập khẩu một số chủng loại trong tháng 12/2021 tăng cao so cùng kỳ năm 2020 gồm: Máy phụ trợ sử dụng với các loại nồi hơi tăng 927,5%; la bàn tăng 526,51%; nồi hơi, lò hơi các loại tăng 460,38%; xe chuyên dùng có động cơ tăng 310%; lò nung và lò dùng trong công nghiệp tăng 229,41%; máy tiện kim loại tăng 133,75%; máy công cụ dùng để khoan, doa, phay, ren tăng 106,35%; rơ-moóc và bán rơ-moóc tăng 96,06%; các loại máy ủi xúc dọn tăng 95,83%...

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại