icon Zalo icon Trang chủ

Ngành sắt thép Việt Nam tận dụng cơ hội từ thách thức

Ngô Minh Ngọc   |   Ngày đăng: 13/09/2022

Trong bối cảnh nhiều nhà máy thép tại châu Âu đang phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn sẽ có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này trong giai đoạn cuối năm. Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ nội địa cũng hứa hẹn sẽ khởi sắc hơn khi hàng loạt dự án đầu tư sẽ gấp rút đẩy mạnh tiến độ.

Ngành sắt thép Việt Nam tận dụng cơ hội từ thách thức - Ảnh 1.Các doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng trong giai đoạn cuối năm.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam tiếp tục nhập siêu hơn 270.000 tấn sắt thép các loại trong tháng 8, giảm 8,2% so với tháng 7. Cụ thể, nhập khẩu sắt thép tháng 8 giảm 13,6% so với tháng trước đó, đạt mức hơn 785.000 tấn. Trong khi xuất khẩu cũng giảm mạnh 16,3% xuống khoảng 513.000 tấn. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, nước ta đã nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn sắt thép, trái ngược với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái khi Việt Nam ghi nhận xuất siêu gần 330.000 tấn.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), vào năm ngoái, việc các quốc gia lớn trên thế giới liên tục kích thích kinh tế sau đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng sắt thép. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh ngành thép của Việt Nam không ngừng được cải thiện, và điều này đã mở ra cơ hội lớn trong hoạt động thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi những nền kinh tế lớn thực hiện thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hoá nói chung và sắt thép nói riêng có xu hướng hạ nhiệt. Điều này đặt ra cho ngành xuất khẩu thép của Việt Nam không ít thách thức lớn.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhiều nhà máy thép tại châu Âu đang phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này trong giai đoạn cuối năm. Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ nội địa cũng hứa hẹn sẽ khởi sắc hơn khi hàng loạt dự án đầu tư sẽ gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Ngành sắt thép cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng nhằm tận dụng cơ hội từ trong thách thức.

Ngành sắt thép Việt Nam tận dụng cơ hội từ thách thức - Ảnh 2.

Bảng giá kim loại kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9

Nhóm kim loại được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng bạc xanh

Trên thị trường kim loại, bạc ghi nhận phiên tăng vọt 5,82%, mức tăng cao nhất kể từ cuối tháng 7 năm nay, đóng cửa tại 19,86 USD/ounce. Bạch kim nối dài đà bứt phá sang phiên thứ 6 liên tiếp, đạt mức 904,2 USD/ounce sau khi tăng 3,11%. Đây là chuỗi tăng dài nhất của bạch kim kể từ tháng 12/2020.

Trước thềm công bố dữ liệu lạm phát thông qua chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ trong tháng 8, chỉ số Dollar Index hiện đang ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất trong vòng 3 tuần. Các nhà đầu tư cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 8 và điều này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm chậm tiến trình tăng lãi suất trong tương lai.

Trước đó, thị trường vốn đã phản ứng mạnh mẽ trước các bình luận quyết liệt từ quan chức Fed và theo một số nhà phân tích, thị trường đã rơi vào trạng thái bán quá mức. Do đó, đồng Dollar Mỹ suy yếu đã hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim tăng vọt trở lại. Đây là hai mặt hàng vốn nhạy cảm nhất với lãi suất và đồng bạc xanh.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX tiếp nối đà tăng phiên thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,19% lên 3,61 USD/pound, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng USD. Bên cạnh đó, những rủi ro từ nguồn cung tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida thuộc sở hữu của nhà nước Chile vẫn còn tiềm ẩn khi các công nhân đồng ý tạm ngừng công việc trong tuần này theo kế hoạch, để tiến hành thảo luận với các quan chức địa phương về những bất đồng an toàn lao động.

Trái lại, quặng sắt suy yếu nhẹ với mức giảm 0,88% xuống 102,07 USD/tấn, trong bối cảnh lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc sẽ tăng cao sau kỳ nghỉ lễ. Các quy tắc kiểm tra hiện đang được siết chặt đối với người lao động quay trở lại làm việc, gây ra rủi ro về những gián đoạn trong hoạt động sản xuất và tạo sức ép đến giá.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)