icon Zalo icon Trang chủ

Lập bản đồ tiềm năng khoáng sản quý biên giới Việt Nam - Lào

Ngô Minh Ngọc   |   Ngày đăng: 21/12/2021

Vùng có tiềm năng về trữ lượng vàng, vonfram, chì, kẽm… thuộc biên giới Việt- Lào trên diện tích 9.400 km2 được các nhà khoa học xây dựng thành bản đồ. 

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích ảnh viễn thám, khảo sát thực địa với hàng trăm vết lộ địa chất, sau đó phân tích và lấy mẫu.

ThS Lưu Công Trí, Chủ nhiệm đề tài cho biết, các mẫu phân tích phát hiện có hàm lượng quặng cao sẽ được nhóm nghiên cứu chi tiết để đánh giá độ dày của quặng cũng như quan hệ giữa các lớp đá. Các chỉ số về tuổi, thành phần, đồng vị... cũng được phân tích để kết luận quặng tiềm năng loại gì, có cộng sinh với các khoáng sản khác không, có khả năng khai thác hay không.

"Cơ sở để đánh giá tiềm năng quặng dựa vào bản đồ mặt cắt địa chất. Trong các công trình tìm kiếm thăm dò, nhóm thường thực hiện khoan hay đào giếng để đánh giá tiềm năng trữ lượng. Nhưng trong nghiên cứu này, nhóm chỉ dừng ở mức độ khoa học cơ bản", ông Trí nói.

TS Bùi Ấn Niên, thành viên nhóm nghiên cứu đang thực hiện chụp ảnh mẫu đá thu thập. Ảnh: NVCC

TS Bùi Ấn Niên, thành viên nhóm nghiên cứu đang thực hiện chụp ảnh mẫu đá thu thập. Ảnh: NVCC

Từ dữ liệu thu được, từng nền địa chất, loại đá, cấu trúc được nhóm nghiên cứu đo vẽ chi tiết. Các tập đá, các địa tầng, khối magma... một số điểm có tiềm năng khoáng hóa (kim loại số lượng nhỏ, không tích tụ thành điểm quặng cụ thể) đã được thống kê.

Trên diện tích 9.400 km2 trong đó 5.600km2 tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng của Lào, nhóm nghiên cứu phát hiện có bốn vùng có tiềm năng quặng lớn, trong đó có một mỏ quặng thiếc đang được khai thác. Tại Việt Nam có hai vùng nhiều triển vọng về khoáng sản thiếc, một số điểm có triển vọng quặng vàng...

Hiện các dữ liệu được xây dựng bản đồ phân vùng khoáng sản (tỷ lệ 1:200.000); bản đồ kiến tạo - sinh khoáng vùng Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa. Bản đồ phân vùng triển vọng tỷ lệ 1:200.000 và đề xuất chi tiết các diện tích chi tiết hóa. Bản đồ địa chất khoáng sản và cấu trúc khống chế quặng hóa thiếc, wofram, vàng, đa kim những khu vực có tiềm năng trên lãnh thổ Lào (hai khu vực dự kiến tỷ lệ 1:25.000) và bộ cơ sở dữ liệu cho các tụ khoáng (thiếc, wofram, vàng, đa kim) vùng nghiên cứu đã được xây dựng.

Các sản phẩm này đã được Hội đồng khoa học của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đánh giá, nghiệm thu và được chuyển giao cho Cục Địa chất và Khoáng sản Lào để áp dụng triển khai vào quản lý, nghiên cứu khoa học.

Đề tài nghiên cứu tiến hóa kiến tạo - magma và sinh khoáng vàng, vonfram, chì, kẽm... vùng Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa được triển khai từ năm 2007. Sau ba năm, đến cuối năm 2020, các Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam công bố kết quả. Nghiên cứu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, phối hợp cùng Cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào).

Theo ThS Trí, mục tiêu của nghiên cứu là làm rõ cấu trúc địa chất, tiến hóa kiến tạo - magma và tiềm năng sinh khoáng vùng Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa. Nghiên cứu cũng tìm hiểu thành phần vật chất, nguồn gốc, điều kiện tạo quặng hóa... từ đó lập tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm, đánh giá tiềm năng khoáng sản. Kết quả nghiên cứu giúp định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư thăm dò và khai thác khoáng sản tại Lào.

Nhóm nghiên cứu điều tra, khảo sát địa chất tại khu vực Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa. Ảnh: NVCC

Nhóm nghiên cứu điều tra, khảo sát địa chất tại khu vực Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa. Ảnh: NVCC

TS Trịnh Đình Huấn, thành viên đề tài, cho biết, kết quả là cơ sở để triển khai các dự án điều tra cơ bản, thăm dò khoáng sản cho vùng nghiên cứu và các khu vực có điều kiện tương tự. Nghiên cứu cũng giúp xác lập các tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản thiếc, vonfram, vàng, đa kim trong vùng cũng như dự báo tiềm năng các khoáng sản. Từ kết quả này, các doanh nghiệp có thể tiến hành đề xuất các diện tích để tác điều tra, thăm dò mỏ tại các vị trí đã được xác lập.

Theo Tô Hội (Báo điện tử Vnexpress)